Công văn 1923/tct-cs năm 2016 về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động chế biến lâm sản do tổng cục thuế ban hành như sau:
BỘ TÀI CHÍNH TỔNG CỤC THUẾ ——- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— |
Số: 1923/TCT-CS V/v chính sách thuế TNDN đối với hoạt động chế biến lâm sản. | Hà Nội, ngày 06 tháng 05 năm 2016 |
Kính gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng cục Thuế nhận được công văn số 738/CT-TTHT ngày 25/01/2016 và công văn số 5933/CT-TTHT ngày 06/11/2015 của Cục Thuế tỉnh Kon Tum về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động chế biến lâm sản. Về vấn đề này, sau khi báo cáo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
– Tại khoản 2 Điều 1 Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 32/2013/QH13 quy định:
“2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 4 như sau:
“1. Thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản, sản xuất muối của hợp tác xã; thu nhập của hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; thu nhập của doanh nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; thu nhập từ hoạt động đánh bắt hải sản.”.”.
– Tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ quy định: Thu nhập miễn thuế TNDN như sau:
“1. Thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản, sản xuất muối của hợp tác xã; thu nhập của hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thực hiện ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; thu nhập của doanh nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; thu nhập từ hoạt động đánh bắt hải sản.
…
Thu nhập từ chế biến nông sản, thủy sản được ưu đãi thuế quy định tại Nghị định này phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:
+ Tỷ lệ giá trị nguyên vật liệu là nông sản, thủy sản trên chi phí sản xuất hàng hóa, sản phẩm từ 30% trở lên.
+ Sản phẩm, hàng hóa từ chế biến nông sản, thủy sản không thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề xuất của Bộ Tài chính.”
– Tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP nêu trên quy định: Thuế suất thuế TNDN 10% đối với khoản thu nhập sau:
“đ) Thu nhập của doanh nghiệp từ: Trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; nuôi trồng lâm sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; sản xuất, nhân và lai tạo giống cây trồng, vật nuôi; sản xuất, khai thác và tinh chế muối, trừ sản xuất muối quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này; đầu tư bảo quản nông sản sau thu hoạch, bảo quản nông sản, thủy sản và thực phẩm, bao gồm cả đầu tư để trực tiếp bảo quản hoặc đầu tư để cho thuê bảo quản nông sản, thủy sản và thực phẩm;”
– Tại khoản 14 Điều 1 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP nêu trên quy định: Thuế suất thuế TNDN 15% đối với khoản thu nhập sau:
“3a. Áp dụng thuế suất 15% đối với thu nhập của doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản ở địa bàn không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.”
Theo quy định của Luật thuế số 71/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn về thuế TNDN quy định ưu đãi thuế TNDN đối với thu nhập của doanh nghiệp từ hoạt động chế biến nông sản, thủy sản. Do đó, thu nhập của doanh nghiệp từ hoạt động chế biến lâm sản (nguyên vật liệu đầu vào từ gỗ cao su, gỗ bạch đàn, gỗ thông, gỗ keo…) không thuộc các trường hợp được ưu đãi thuế TNDN theo hoạt động chế biến nông sản, thủy sản.
Tổng cục Thuế thông báo để các Cục Thuế biết và thực hiện./.
Nơi nhận: – Như trên; – TTr Đỗ Hoàng Anh Tuấn (để báo cáo); – Cục TCDN, Vụ CST, Vụ PC (BTC); – Lưu VT, TCT (VT, PC, CS (3b)). | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG Cao Anh Tuấn |