Công tác quản lý thu thuế ở Việt Nam hiện nay

Chuyên mục: Kiến thức
Đánh giá

Công tác quản lý thu thuế ở Việt Nam hiện nay:

Tổ chức bộ máy quản lý thu thuế hiện hành bao gồm hệ thống thu nội địa (Thuế Nhà nước) và hệ thống thu thuế XNK (Xem sơ đồ tổ chức).

  • Hệ thống Thuế Nhà nước

Theo Nghị định số 281-HĐBT ngày 7/8/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), hệ thống thuế Nhà nước được thành lập để thực hiện công tác thu và quản lý các loại thuế và các khoản thu khác cho NSNN trong nội địa. Bộ máy quản lý thuế được tổ chức thành hệ thống dọc từ Trung ương đến địa phương; cơ quan thuế đặt tại địa phương chịu sự lãnh đạo song trùng của ngành Thuế cấp trên và Chủ tịch UBND cùng cấp; Tổng cục Thuế, cục thuế, chi cục thuế là tổ chức trong hệ thống hành chính nhà nước có tư cách pháp nhân công quyền, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước.

Ngày 28/10/2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 218/2003/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế trực thuộc Bộ Tài chính. Theo đó, bộ máy quản lý thu thuế nội địa được đổi mới tổ chức theo mô hình chức năng, chuyển sang thực hiện việc cung cấp thông tin và dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế; đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thuế. Trong quá trình thực thi, cùng với quá trình cải cách hành chính nhà nước và sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, cơ cấu tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục Thuế cũng thường xuyên được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu phát triển, yêu cầu cải cách hành chính, yêu cầu của công tác quản lý thuế và yêu cầu của hội nhập. Cụ thể: Từ 2007, cơ cấu tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục Thuế được thực hiện theo Quyết định số 76/2007/QĐ-TTg ngày 28/05/2007. Từ năm 2009, cơ cấu tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục Thuế được thực hiện theo Quyết định số 115/2009/QĐ-TTg ngày 28/09/2009.

Tóm lại, các văn bản quy định cơ cấu tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục Thuế trong các giai đoạn:

Từ 1990 – 2003: Nghị định số 281-HĐBT ngày 7/8/1990 của Hội đồng Bộ trưởng;

Từ 2003 – 2007: Quyết định số 76/2007/QĐ-TTg ngày 28/05/2007 của Thủ tướng Chính phủ;

Từ 2007 – 2009: Quyết định số 115/2009/QĐ-TTg ngày 28/09/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

  • Hệ thống Hải quan

Hệ thống Hải quan trước đây trực thuộc Chính phủ, được tổ chức thành 3 cấp: Tổng cục Hải quan (cấp trung ương), cục hải quan tỉnh, liên tỉnh và chi cục hải quan cửa khẩu. Hệ thống hải quan đảm nhiệm việc quản lý thu thuế đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu như: thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu; thuế bảo vệ môi trường của hàng hóa nhập khẩu; thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu; thu nhập đối với hàng là quà biếu, quà tặng vượt quá tiêu chuẩn miễn thuế.

Kể từ 4/9/2002, hệ thống Hải quan (Tổng cục Hải quan) được chuyển vào trực thuộc Bộ Tài chính (Quyết định 113/2002/QĐ-TTg ngày 4/9/2002 của Thủ tướng Chính phủ chuyển Tổng cục Hải quan vào Bộ Tài chính).

Trong quá trình thực thi, cùng với quá trình cải cách hành chính nhà nước, cải cách thủ tục hải quan và sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, cơ cấu tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục Hải quan cũng thường xuyên được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, yêu cầu cải cách hành chính và thủ tục hải quan và yêu cầu của hội nhập. Các văn bản quy định cơ cấu tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục Hải quan trong các giai đoạn: (1) Từ 4/9/2002: Nghị định số 96/2002/NĐ-CP ngày 19/11/2002 của Chính phủ; (2) Từ 15/03/2010: Quyết định số 02/2010/QĐ-TTg ngày 15/03/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

SƠ ĐỒ HỆ THỐNG BỘ MÁY QUẢN LÝ THUẾ HIỆN HÀNH

Tham khảo:  Hệ thống chính sách thuế Việt Nam qua các thời kỳ

Bình luận