Hướng dẫn hạch toán chi phí phúc lợi cho nhân viên như sau:
Chi phí phúc lợi cho nhân viên bao gồm: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, đi du lịch …..
Đối với những doanh nghiệp có phát sinh thì khoản chi này là những khoản chi không hề nhỏ. Làm thế nào để đưa những chi phí kể trên vào chi phí hợp lý đây? Câu hỏi sẽ có ngay ở phần bên dưới:
Căn cứ Khoản 1 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế TNDN:
“ Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
…”
Căn cứ Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế:
+ Tại Điều 1 Chương I sửa đổi, bổ sung điểm 2.31 Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính quy định khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế:
“2.31. Các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế, trừ các khoản chi sau:
…
– Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác. Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.
Việc xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp được xác định bằng quỹ lương thực hiện trong năm chia (:) 12 tháng. Quỹ lương thực hiện trong năm được quy định tại tiết c, điểm 2.5, Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính.
…”
Những vấn đề này được hướng dẫn rõ tại công văn Số: 11819/CT-TTHT ngày 31 tháng 12 năm 2014
Hướng dẫn hạch toán chi phí phúc lợi cho nhân viên như sau:
Trường hợp doanh nghiệp có trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi:
a) Trong năm khi tạm trích quỹ khen thưởng, phúc lợi, ghi:
Nợ TK 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Có TK 353 – Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3531, 3532, 3534).
b) Cuối năm, xác định quỹ khen thưởng, phúc lợi được trích thêm, ghi:
Nợ TK 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Có TK 353 – Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3531, 3532, 3534).
c) Tính tiền thưởng phải trả cho công nhân viên và người lao động khác trong doanh nghiệp, ghi:
Nợ TK 353 – Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3531).
Có TK 334 – Phải trả người lao động.
d) Dùng quỹ phúc lợi để chi trợ cấp khó khăn, chi cho công nhân viên và người lao động nghỉ mát, chi cho phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, ghi:
Nợ TK 353 – Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3532)
Có các TK 111, 112.
Trường hợp doanh nghiệp không có trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi:
Những khoản chi phí này doanh nghiệp có thể hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng:
Nợ 641/642
Nợ 133
Có 331/111/112