Công văn 5357/tct-cs năm 2015 về chế độ kế toán và chính sách thuế do tổng cục thuế ban hành

Chuyên mục: Tin tức
Đánh giá

Công văn 5357/tct-cs năm 2015 về chế độ kế toán và chính sách thuế do tổng cục thuế ban hành như sau:

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
——-
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
Số: 5357/TCT-CS
V/v: chính sách thuế.
Hà Nội, ngày 11 tháng 12 năm 2015

Kính gửi: Công ty cổ phần dược phẩm OPC.
(Số 1017 Hồng Bàng, P12, Q6, TP Hồ Chí Minh)

Tổng cục Thuế nhận được công văn số 852/CV-OPC ngày 28/7/2015 của Công ty cổ phần dược phẩm OPC về chế độ kế toán và chính sách thuế. Về vấn đề này, sau khi có ý kiến của Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán – Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

  1. Về chính sách thuế
  2. Về hoàn thuế GTGT

Tại Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn: “Điều 11. Khai thuế giá trị gia tăng

Trách nhiệm nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế

c) Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc kinh doanh ở địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính thì đơn vị trực thuộc nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của đơn vị trực thuộc; nếu đơn vị trực thuộc không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu thì thực hiện khai thuế tập trung tại trụ sở chính của người nộp thuế.”

Tại Điều 18 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính và Khoản 12 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về đối tượng và trường hợp được hoàn thuế GTGT.

Căn cứ hướng dẫn nêu trên, trường hợp Công ty có các Chi nhánh trực thuộc kinh doanh ở địa phương cấp tỉnh khác nơi Công ty có trụ sở chính thì đơn vị trực thuộc nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của đơn vị trực thuộc.

Nếu Công ty thuộc đối tượng và trường hợp được hoàn thuế GTGT theo hướng dẫn tại Điều 18 Thông tư số 219/2013/TT-BTC nêu trên thì Công ty được hoàn thuế theo quy định.

  1. Về chi phí được trừ đối với hàng hóa bị hư hỏng

Tại tiết b Khoản 2.1 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính, Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC hướng dẫn hồ sơ đối với hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng, được tính vào chi phí được trừ.

Căn cứ hướng dẫn nêu trên, về nguyên tắc, hồ sơ đối với hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng, được tính vào chi phí được trừ bao gồm tài liệu theo quy định tại tiết b Khoản 2.1 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính, Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC.

Trường hợp có vướng mắc, đề nghị Công ty liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp báo cáo cụ thể kèm theo tài liệu liên quan để được giải quyết.

  1. Về nội dung liên quan đến chế độ kế toán, Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán – Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

“1. Về hóa đơn chứng từ theo pháp luật về thuế và hạch toán kế toán đối với trường hợp Công ty xuất hàng tồn kho cho các chi nhánh hạch toán phụ thuộc

1.1. Về hóa đơn chứng từ theo pháp luật thuế:

Tại Điểm b Khoản 2.6 Phụ lục 4 Thông tư 39/2014/TT-BTC về hướng dẫn lập hóa đơn bán hàng hóa dịch vụ thì đối với tổ chức kinh doanh kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ xuất Điều chuyển hàng hóa cho các cơ sở hạch toán phụ thuộc như các chi nhánh, cửa hàng ở khác địa phương để bán hoặc Điều chuyển giữa các chi nhánh, đơn vị phụ thuộc với nhau; xuất hàng hóa cho cơ sở nhận làm đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng thì có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hóa đơn, chứng từ là:

(1) Sử dụng hóa đơn GTGT để làm căn cứ thanh toán và kê khai nộp thuế GTGT ở từng đơn vị và từng khâu độc lập với nhau; hoặc

(2) Sử dụng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ kèm theo Lệnh Điều động nội bộ.

1.2. Về hạch toán kế toán

Trên cơ sở pháp luật về thuế quy định về hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa Điều chuyển giữa các đơn vị nội bộ nêu trên, tại Điểm a Khoản 3.10.1 Điều 79 Thông tư 200/2014/TT-BTC đã hướng dẫn hạch toán kế toán đối với trường hợp doanh nghiệp không ghi nhận doanh thu giữa các khâu trong nội bộ mà bên bán chỉ ghi nhận doanh thu khi bên mua thực bán hàng ra bên ngoài. Đây là bút toán hướng dẫn chung cho cả hai trường hợp là doanh nghiệp sử dụng hóa đơn GTGT hoặc sử dụng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ do đó, doanh nghiệp hạch toán cụ thể cho từng trường hợp như sau:

a) Nếu bên bán sử dụng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ

– Khi xuất hàng cho đơn vị mua, căn cứ vào phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, kế toán bên bán ghi:

Nợ TK 136 – Phải thu nội bộ

Có các TK 155, 156 (giá vốn)

– Căn cứ vào hàng tồn kho nhận được, kế toán đơn vị mua ghi:

Nợ các TK 155, 156

Có TK 336 – Phải trả nội bộ

b) Nếu bên bán sử dụng hóa đơn GTGT

– Khi xuất sản phẩm, hàng hóa cho đơn vị mua, căn cứ vào hóa đơn GTGT, kế toán bên bán ghi:

Nợ TK 136 – Phải thu nội bộ

Có các TK 155, 156 (giá vốn)

Có TK 333 – Thuế và các Khoản phải nộp Nhà nước

– Căn cứ vào hàng tồn kho nhận được và hóa đơn GTGT của bên bán, kế toán đơn vị mua ghi:

Nợ TK 155, 156 (giá vốn)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ

Có TK 336 – Phải trả nội bộ

Các bút toán hạch toán khác tại đơn vị mua và đơn vị bán liên quan đến việc ghi nhận doanh thu, giá vốn đối với trường hợp này vẫn được thực hiện theo quy định tại Khoản 3.10.1 Điều 79 Thông tư số 200/2014/TT-BTC.

  1. Về cách xác định giá trị của hàng khuyến mãi để ghi giảm giá trị hàng hóa mua về

Tại Khoản 1.6.3 Điều 79 Thông tư số 200/2014/TT-BTC hướng dẫn đối với trường hợp doanh nghiệp xuất hàng hóa để khuyến mãi, quảng cáo nhưng khách hàng chỉ được nhận hàng khuyến mãi, quảng cáo kèm theo các Điều kiện khác như phải mua sản phẩm, hàng hóa (ví dụ mua 02 sản phẩm được tặng 01 sản phẩm) thì bản chất là giảm giá hàng bán nên doanh nghiệp phải phân bổ số tiền thu được cho cả 03 sản phẩm (bao gồm cả hàng được khuyến mãi). Theo đó, đối với bên mua, số tiền phải trả hoặc đã trả để mua hàng sẽ được phân bổ cho cả số lượng hàng hóa mua và hàng hóa được khuyến mãi.

Trường hợp cả hàng hóa mua và hàng hóa được khuyến mãi là giống hệt nhau, ví dụ mua 02 sản phẩm được tặng 01 sản phẩm thì đơn giá của 01 đơn vị hàng hóa (kể cả hàng được khuyến mãi) được xác định là tổng số tiền phải trả hoặc đã trả để mua hàng chia cho tổng số lượng hàng hóa được nhận về (03 sản phẩm).

Trường hợp hàng hóa được khuyến mãi khác với hàng hóa mà doanh nghiệp mua về thì căn cứ vào giá trị niêm yết của hàng khuyến mãi mà bên bán hàng công bố cho khách hàng hoặc giá trị thị trường của hàng hóa giống hệt để xác định giá trị của hàng khuyến mãi.”

Tổng cục Thuế có ý kiến để Công ty cổ phần dược phẩm OPC biết./.

Nơi nhận:
– Như trên;
– PTCT Cao Anh Tuấn (để b/c);
– Cục Thuế TP Hồ Chí Minh;
– Vụ PC, CST, CĐKT&KT – BTC;
– Vụ PC, KK&KTT – TCT;
– Lưu: VT, CS (3).
TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ CHÍNH SÁCH
PHÓ VỤ TRƯỞNG

Nguyễn Hữu Tân

Bình luận